Review Sách “Trước Vòng Chung Kết”: Tuổi Thơ, Đam Mê Và Những Bài Học Trên Sân Cỏ

Tuổi thơ của mỗi người đều gắn liền với những trò chơi, những giấc mơ và những kỷ niệm không thể nào quên. Với Trước Vòng Chung Kết, Nguyễn Nhật Ánh đã tái hiện một thế giới tuổi thơ sống động, nơi niềm đam mê bóng đá thắp sáng những trái tim nhỏ bé, nơi tình bạn trong trẻo và tinh thần thể thao chân chính được khắc họa một cách chân thực. Không chỉ đơn thuần là một câu chuyện về những trận đấu bóng sôi động, cuốn sách còn mang đến những bài học ý nghĩa về sự trưởng thành và khát vọng vươn lên. Hãy cùng bước vào khu phố nhỏ, nơi những cậu bé đầy nhiệt huyết đang miệt mài theo đuổi giấc mơ của mình!

Về tác giả Nguyễn Nhật Ánh

Nguyễn Nhật Ánh – cái tên đã trở thành một phần ký ức tuổi thơ của biết bao thế hệ độc giả Việt Nam. Sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955 tại Quảng Nam, ông được xem là một trong những nhà văn hiện đại xuất sắc nhất Việt Nam, với những tác phẩm đậm chất hồn nhiên, trong trẻo của tuổi thơ và thanh thiếu niên.

Bộc lộ năng khiếu văn chương từ rất sớm, năm 13 tuổi, Nguyễn Nhật Ánh đã có bài thơ đầu tiên mang tên Thành Phố Tháng Tư đăng báo. Trước khi chính thức bước vào con đường sáng tác chuyên nghiệp, ông từng làm thầy giáo và viết báo, sử dụng nhiều bút danh khác nhau như Chu Đình Ngạn, Lê Duy Cật, Đông Phương Sóc, Sóc Phương Đông… Tuy nhiên, bước ngoặt lớn đến với ông khi ra mắt truyện dài đầu tiên Trước Vòng Chung Kết, tác phẩm giúp ông định hình phong cách và đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp viết về tuổi học trò.

Nhắc đến Nguyễn Nhật Ánh, người ta không thể không kể đến những tác phẩm đã in sâu vào tâm trí nhiều thế hệ như Kính Vạn HoaMắt BiếcHạ ĐỏCô Gái Đến Từ Hôm QuaNgồi Khóc Trên CâyChú Bé Rắc Rối… Dù đã ra mắt từ lâu, nhưng các tác phẩm của ông vẫn liên tục được tái bản và luôn nằm trong danh sách sách bán chạy, chứng tỏ sức hút bền bỉ theo năm tháng. Không chỉ dừng lại ở trang sách, nhiều tác phẩm của ông còn được chuyển thể thành phim và tạo tiếng vang lớn, có thể kể đến như Kính Vạn HoaMắt BiếcTôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ XanhCô Gái Đến Từ Hôm QuaNgày Xưa Có Một Chuyện Tình… Mỗi bộ phim khi ra mắt đều chạm đến trái tim khán giả, tái hiện chân thực và đầy cảm xúc những câu chuyện giàu chất thơ trong văn chương của ông.

Với lối viết giản dị nhưng đầy tinh tế, những câu chuyện của Nguyễn Nhật Ánh không chỉ là dòng hồi ức đẹp đẽ của tuổi học trò mà còn là những bài học sâu sắc về tình bạn, tình yêu và giá trị của ký ức. Ông chính là người đã mang đến cho bao thế hệ một bầu trời tuổi thơ đầy sắc màu và cảm xúc.

Một số giải thưởng của ông:

  • Năm 1990, truyện dài Chú Bé Rắc Rối được trao giải thưởng Văn học Trẻ hạng A
  • Năm 1995, được bình chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975 – 1995) và được Hội Nhà Văn Thành phố Hồ Chí Minh bình chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975 – 1995)
  • Năm 1998, được Nhà xuất bản Kim Đồng trao giải Nhà văn có sách bán chạy nhất
  • Năm 2003, bộ truyện Kính Vạn Hoa được trao huy chương Vì thế hệ trẻ
  • Năm 2008, tác phẩm Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ được báo Người lao động bình chọn là tác phẩm hay nhất và được trao tặng Giải thưởng Văn học ASEAN 2010.

Về tác phẩm Trước Vòng Chung Kết

Trước Vòng Chung Kết có lẽ là tác phẩm đặc biệt nhất trong sự nghiệp của Nguyễn Nhật Ánh, bởi đây là cuốn truyện dài đầu tiên của ông, ra đời vào năm 1984. Câu chuyện xoay quanh Tân – một cậu bé đam mê bóng đá cuồng nhiệt, đội trưởng của đội bóng khu phố 1 mang tên Mũi tên vàng. Bên cạnh Tân, những người bạn thân thiết của cậu như Hoàng, Dũng, Tình, Quân, Thịnh… cùng nhau xây dựng một đội bóng để tranh tài với đội Sư tử – đội bóng khu phố 2 do Hùng làm đội trưởng, với sự góp mặt của những cầu thủ như Long, Sơn, Sĩ. Không giống như nhiều tác phẩm khác của Nguyễn Nhật Ánh thường tập trung vào lứa tuổi thanh niên, Trước Vòng Chung Kết khắc họa những nhân vật nhỏ tuổi hơn, chủ yếu là lứa tuổi học sinh cấp 1 và cấp 2.

Xuyên suốt câu chuyện là những trận đấu kịch tính, những khoảnh khắc hào hứng của tuổi thơ gắn liền với sân bóng, nơi mà các cậu nhóc dù có tính cách, hoàn cảnh khác nhau vẫn chung một niềm đam mê cháy bỏng với bóng đá. Tinh thần thể thao, sự đoàn kết, tình bạn trong sáng và những bài học ý nghĩa được lồng ghép khéo léo trong từng trang sách. Bên cạnh đó, tác phẩm còn phảng phất hơi thở của một thời kỳ đã qua – một bối cảnh bình dị, mộc mạc nhưng đầy ắp những ký ức đẹp, giống như chính tuổi thơ của bao thế hệ độc giả.

Những cái tên nhân vật và bức tranh tuổi thơ bình dị

Bạn đọc quen thuộc với Nguyễn Nhật Ánh hẳn không xa lạ với cách đặt tên nhân vật đầy sáng tạo của ông – những cái tên gắn liền với biệt danh phản ánh đặc điểm nổi bật của từng người. Trước Vòng Chung Kết cũng không ngoại lệ. Ta bắt gặp những cái tên ngộ nghĩnh như Tân đội trưởng, Hùng bụi, Long quắn, Sơn cao, Tâm sún, Thuận ròm… Chỉ cần nghe tên, độc giả đã có thể hình dung phần nào tính cách và dáng vẻ của từng cậu nhóc trong truyện.

Các nhân vật trong tác phẩm không phải những đứa trẻ sinh ra trong nhung lụa. Tác giả không đi sâu vào hoàn cảnh của từng người, nhưng vẫn đủ để gợi lên bức tranh về cuộc sống của họ. Đội Mũi tên vàng phần lớn là những đứa trẻ khá giả hơn, được đến trường đầy đủ. Trong khi đó, đội Sư tử lại là những cậu nhóc sớm phải bươn chải: Long quắn đi bán thuốc lá dạo, Sơn cao giữ xe đạp ở quán nhậu, còn Hùng bụi và Sĩ thì nhặt bao ni-lông kiếm sống. Một số không đi học vì hoàn cảnh, số khác đơn giản là chẳng mấy hứng thú với chuyện đèn sách.

Dù vậy, Trước Vòng Chung Kết không nhuốm màu bi thương hay nặng nề. Không có biến cố nào quá lớn, không có những khúc quanh đầy kịch tính. Câu chuyện nhẹ nhàng, bình dị nhưng lại đầy sức sống, vẽ nên một bức tranh chân thực về tuổi thơ – nơi niềm vui đến từ những trận bóng sôi động, những tình bạn trong veo, và một bầu không khí yên bình, ấm áp đến lạ.

Những “lần đầu” của bọn trẻ tinh nghịch

Tuổi trẻ, nhất là với những cậu nhóc “bụi đời” trong truyện, khó tránh khỏi những phút giây bồng bột, nghịch ngợm, những lần đầu tò mò khám phá những điều mà người lớn hay làm. Dù chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng thể câu chuyện, nhưng với mình, đây là những chi tiết rất thú vị, làm cho Trước Vòng Chung Kết trở nên chân thực và gần gũi hơn.

Trong nhóm, Hùng bụi là đứa trải đời nhất. Không giống những đứa trẻ khác, Hùng không có sự chăm sóc đầy đủ của ba mẹ, mà sống với dì và bà, bởi ba mẹ nó đã bỏ đi tìm hạnh phúc riêng. Có lẽ vì không có sự quản thúc của người lớn, Hùng bụi là đứa duy nhất trong nhóm hút thuốc. Một lần, khi Thuận ròm thấy thằng bạn “trầm ngâm nhả khói y hệt ba nó ở nhà”, nó và Tâm sún cũng tò mò, xin một điếu để thử. Kết quả là cả hai nhanh chóng rơi vào một tình huống dở khóc dở cười: vừa phải ói mửa liên tục vì mùi vị khó chịu của thuốc lá, vừa cố tỏ ra bình thản để không mất mặt trước bạn bè. 

Không chỉ thuốc lá, bọn nhóc còn có một “lần đầu” khác – lần đầu tập tành nhậu nhẹt. Hùng bụi, Sĩ, Long quắn, Sơn cao rủ nhau đi uống rượu để thể hiện mình là những “bợm nhậu” thứ thiệt. Thế nhưng khi ly rượu được đặt trước mặt, đứa nào cũng ngại làm “chuột bạch” uống trước. Cuối cùng, mỗi đứa đều nhấp một ngụm, nhưng thay vì cảm giác thích thú như những gì chúng tưởng tượng, rượu hóa ra lại cay xè và khó uống đến lạ. Sau khi tìm được lý do để không phải uống tiếp, cả bọn vui vẻ chuyển sang ăn hột vịt lộn, quên béng luôn chuyện chứng tỏ bản lĩnh. 

Tuổi thơ nào mà chẳng có những lần đầu tò mò, thử nghiệm những điều mới mẻ như thế? Dù những hành động này có vẻ như hơi “hư”, nhưng sự ngây thơ, hồn nhiên của bọn trẻ vẫn còn vẹn nguyên. Quan trọng là sau này, chẳng còn ai trong nhóm tái phạm mà còn vươn lên nhiều hơn cả về việc học tập lẫn chơi thể thao. Hùng bụi thậm chí còn hứa sẽ bỏ thuốc lá để đủ điều kiện vào đội tuyển thể thao của thành phố – một kết thúc đầy tích cực cho những phút giây bồng bột của tuổi nhỏ.

Ước mơ bóng đá và khát vọng vươn lên

Đây là có lẽ là phần trọng tâm mà tác giả muốn xây dựng. Hai đội trưởng của Mũi tên vàng và đội Sư tử đều mang trong mình niềm đam mê mãnh liệt với môn thể thao vua của Việt Nam – bóng đá, nhưng mỗi người lại có một hành trình riêng.

Tân mê bóng đá đến mức bỏ bê việc học, phải “đúp” một năm lớp 4. Với cậu, sách vở chẳng mang lại lợi ích gì cho ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Cha cậu buộc phải áp dụng biện pháp cứng rắn, yêu cầu phải hoàn thành bài tập mới được ra sân. Ban đầu, Tân chỉ miễn cưỡng làm theo, nhưng dần dần, cậu nhận ra niềm vui của việc học – niềm tự hào khi giải được một bài toán khó, cảm giác hạnh phúc khi được bạn bè ngưỡng mộ. Và đến khi cầm trên tay những cuốn sách về kỹ thuật đá bóng chuyên nghiệp, Tân hiểu rằng nếu không học, cậu sẽ chẳng thể hiểu được những tri thức trong đó và cũng chẳng thể hiện thực hóa ước mơ của mình.

“Chẳng mấy chốc tiếng nảy thình thịch đầy quyến rũ của trái bóng bắt đầu vọng đến tai nó. Rồi sân vận động Thống Nhất với hơn ba mươi ngàn khán giả bắt đầu hiện ra, ồn ào, náo nhiệt. Có hằng ngày chiếc dù đủ màu lộng lẫy trên bốn mặt khán giả. Từ dưới hầm của khán đài A, hai đội bóng Mũi tên vàng và Sư tử đang bước lên từng người một và cùng các trọng tài ra sân chào. Tiếng vỗ tay của khán giả nổi lên như sấm. Thằng Tân thấy mình đẹp đẽ và “hách xì xằng” trong chiếc áo xanh sọc đỏ, quần trắng, tất trắng đang bắt tay Hùng bụi, đội trưởng đội bạn, trước ống kính của các ký giả thể thao… Với giấc mộng sôi động đó, thằng Tân không biết là mình đã ngủ”

Trái ngược với Tân, Hùng bụi chưa từng có ai thúc ép phải đi học. Ba mẹ bỏ đi từ nhỏ, cậu sống với bà và dì, không biết chữ nhưng cũng chẳng thấy đó là vấn đề, bởi với Hùng, chữ nghĩa chẳng liên quan gì đến bóng đá. Nhưng rồi, cậu bắt đầu thấy xấu hổ khi nhận ra sự thiếu hụt của mình: khi Tân khoe những cuốn sách dạy kỹ thuật đá bóng, cậu ước gì mình có thể đọc được; khi mọi người mua báo để cập nhật tin tức bóng đá, cậu chỉ biết ngồi bên cạnh chán chường mà chẳng hiểu gì; hay lúc tỉ số trận đấu bị hiển thị sai tên, cậu cũng không thể phát hiện ra. Những trải nghiệm đó khiến Hùng khao khát được đi học.

Từ khao khát đến hành động, Hùng quyết tâm đến lớp bồi dưỡng buổi tối, không chỉ cho bản thân mà còn thuyết phục cả nhóm bạn trong đội Sư tử cùng đi học. Dù có đứa phải học lại lớp một, lớp ba ở cái tuổi đáng lẽ đã lên cấp hai, nhưng sự hiếu học và tinh thần vươn lên của bọn trẻ, đặc biệt là Hùng, vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

“Nhưng cái chính khiến tụi bạn khoái nó và phục nó là nó đối xử với bạn bè rất thẳng thắn và công bằng, nhứt là tính công bằng, đó là tiêu chuẩn hàng đầu của một người muốn làm thủ lĩnh. Ngoài ra, mặc dù coi như mù chữ – gọi là coi như bởi vì trước đây nó học có vài buổi ở lớp hai, nhưng rồi sau đó nghỉ luôn sáu, bảy năm cho tới bây giờ nên chữ nghĩa trả lại cho thầy hết sạch – nó lại là đứa có vẻ văn hóa nhứt bọn, văng tục chửi thề ít hơn mà phá phách cũng ít hơn”

Câu chuyện về Tân và Hùng bụi không chỉ là câu chuyện về bóng đá, mà còn là câu chuyện về sự trưởng thành, nhận thức và khát khao vươn lên của những đứa trẻ. Có lẽ, tác giả Nguyễn Nhật Ánh muốn truyền đạt rằng đam mê có thể là ngọn lửa, nhưng tri thức mới là đôi cánh giúp chúng ta bay xa hơn.

Bài học trên sân cỏ và tinh thần thể thao chân chính

Bên cạnh sự thay đổi của các nhân vật, tác giả còn khéo léo lồng ghép những bài học sâu sắc về bóng đá và tinh thần thể thao chân chính thông qua các nhân vật khác nhau – một phần đặc sắc và quan trọng của truyện. Dù ham mê bóng đá là thật nhưng với độ tuổi non nớt của bọn trẻ, chúng khó tránh khỏi những suy nghĩ sai lầm về môn thể thao này. Không chỉ trẻ con, ngay cả người lớn trong truyện cũng có lúc mang thái độ chưa đúng đắn đối với thể thao.

Một lần, Tân bất đắc dĩ phải làm trọng tài cho một trận đấu. Cậu từng nghĩ đây là một vị trí đầy quyền lực và thú vị, nhưng thực tế lại khác xa tưởng tượng. Đứng trên sân, Tân nhận ra làm trọng tài không hề đơn giản. Cậu chợt nhớ đến những lần mình từng chỉ trích trọng tài vì những lỗi sai mà bản thân cho là hiển nhiên, để rồi bây giờ, khi ở vị trí đó, cậu mới thấu hiểu những khó khăn mà họ phải đối mặt:

“Phải đợi đến hôm nay, khi mà chính bản thân nó được ở vào cái vai trò “dễ dàng” đó, thì nó mới hiểu ra rằng trọng tài dù sao cũng là người chớ không phải thần thánh và chỉ có hai mắt như ai chớ không phải tám mắt như trước nay nó vẫn tưởng. Khi mà mỗi quyết định của mình có ảnh hưởng nhất định đến kết quả trận đấu và có thể gây ra phản ứng từ phía khán giả cũng như cầu thủ thì trọng tài quả thực là một nghề không dễ làm…”

Tinh thần thể thao cũng được tác giả nhấn mạnh qua nhiều tình huống đời thường. Khi đi xem bóng đá cùng anh Sáu, Tân tỏ ra thất vọng khi đội mình yêu thích bị thủng lưới. Dù bàn thắng của đối phương rất đẹp, cậu vẫn không vỗ tay tán thưởng. Lúc này, anh Sáu nhẹ nhàng nhắc nhở:

“Trước hết, người ta tới sân vận động để coi đá bóng, để thưởng thức nghệ thuật điều khiển trái bóng của cầu thủ. Trước những pha dàn xếp ngoạn mục, những cú đi bóng lắt léo, những cú sút tuyệt kỹ không cần biết của phe nào, người xem chân chính đều cảm thấy rung động và vỗ tay tán thưởng. Bởi vì bóng đá là môn thể thao phục vụ con người, em hiểu không?”.

Đến khi đội bóng mà cả Tân và anh Sáu ủng hộ thua cuộc, Tân tỏ ra buồn bã. Nhưng anh Sáu vẫn điềm tĩnh, khuyên nhủ cậu:

“Nếu đi coi đá bóng mà ai thắng ai thua cũng được, không hồi hộp lo âu, không vui mừng, buồn bã thì đâu có gì mà khoái. Bóng đá sở dĩ hấp dẫn một phần ở chỗ nó gắn liền tình cảm của mình với một đội bóng nào đó. Nhưng điều này không có nghĩa là mình chỉ cổ vũ đội của mình một cách thiên vị mà tỏ ra bất công với thành tích của những đội khác.”

Không chỉ nhấn mạnh tinh thần thể thao từ góc độ người hâm mộ, câu chuyện còn đề cao đạo đức và tinh thần thi đấu công bằng của các cầu thủ. Dù chỉ là những cầu thủ nhí ở khu phố, nhưng giá trị của bóng đá không chỉ dừng lại ở những bàn thắng, mà còn nằm ở cách mỗi người đối diện với chiến thắng và thất bại. Trong một trận đấu cấp quận đầy gay cấn, khi mọi đội bóng đều khao khát chiến thắng, Tân – cầu thủ khu phố 1 và Hoàng – thủ môn khu phố 2 đã mắc những sai lầm đáng tiếc. Những lỗi lầm này làm thay đổi cục diện trận đấu. Dù đây chỉ là một giải đấu nhỏ, nhưng với sự kỳ vọng của tất cả cầu thủ và sự ủng hộ người dân khắp khu phố, sai lầm của hai cậu nhóc đã gây ra sự thất vọng cho nhiều người. Sau khi nhận lỗi và chịu phạt, với sự đồng lòng của mọi người, Tân, Hoàng và những cầu thủ nhí tài giỏi khác được chọn để thi giải đấu đá bóng thành phố. Và quan trọng hơn cả, Tân và Hoàng đã nhận ra thế nào là tinh thần thể thao chân chính.

“Đội bóng của chúng ta trước hết cần những con người tốt trước, rồi mới đến những cầu thủ giỏi sau. Chúng ta phấn đấu lập thành tích, nhưng không chủ trương đạt thành tích bằng bất cứ giá nào, kể cả việc dung túng những cầu thủ thiếu tinh thần thể thao chân chính.”

Lời kết

Trước Vòng Chung Kết là một quyển sách đáng trải nghiệm, kể cả với những ai không đam mê thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. Với văn phong gần gũi, cốt truyện nhẹ nhàng mà vẫn đủ để lôi cuốn người đọc, quyển sách này đem lại những phút giây thư giãn để người đọc cùng hòa mình vào nhân vật, vào khu phố nhỏ và cùng gặp gỡ những nhân vật nhí. Quyển sách khép lại ngay trước vòng chung kết, như chính tên gọi của nó. Người đọc không biết kết quả cuối cùng sẽ ra sao, hay con đường phía trước của Tân, Hùng và những cậu bé ấy sẽ như thế nào. Có lẽ, tác giả muốn để lại khoảng trống để mỗi độc giả tự vẽ tiếp hành trình của họ bằng trí tưởng tượng và cảm xúc riêng mình.


Tóm tắt bởi: Thụy Vy – Bookademy

Một bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Table of Contents